Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Huế - Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng)

LĂNG ĐỒNG KHÁNH ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN VÙNG ĐẤT THUỘC LÀNG CƯ SĨ, NAY LÀ THÔN THƯỢNG HAI, XÃ THỦY XUÂN, THÀNH PHỐ HUẾ. XUNG QUANH LĂNG NÀY CÓ RẤT NHIỀU LĂNG MỘ CỦA BÀ CON QUYẾN THUỘC NHÀ VUA. LÀ MỘT DI TÍCH TRONG QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ ĐÂY LÀ NƠI AN TÁNG VUA ĐỒNG KHÁNH.

Đồng Khánh là anh trai của hai vị vua: Kiến Phúc, Hàm Nghi nhưng lại được đưa lên ngai vàng sau cùng, khi Hàm Nghi rời kinh thành phát chiếu Cần Vương kháng Pháp (7-1885).Sau khi lên ngôi, Đồng Khánh cho xây dựng ở bên cạnh lăng mộ của cha ngôi điện đặt tên Truy Tư để thờ cúng cha. Tháng 2-1888 công trình khởi công, công việc đang tiếp tục thì vua Đồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời vào tuổi 25 và mới 3 năm ở ngôi. Vua Thành Thái lên kế vị trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn nên không thể xây cất lăng tẩm quy mô lớn cho vua tiền nhiệm, đành đổi điện Truy Tư thành Ngưng Hy để thờ vua Đồng Khánh. Thi hài nhà vua được mai táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía Tấy. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi là Tư lăng.

 
Mãi đến năm 1916, Khải Định, con trai của Đồng Khánh lên ngôi, mới cho tu sửa điện thờ và xây cất lăng mộ cho cha mình. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái đình, Bi đình đến Bửu thành và Huyền Cung đều được kiến thiết dưới thời Khải Định đến tháng 7-1917 mới hoàn thành. Riêng điện Ngưng Hy và các nhà cửa phụ thuộc tiếp tục được tu sửa cho đến tháng 5-1923 mới hoàn tất.

   Quá trình xây dựng lăng Đồng Khánh diễn ra lâu dài trong 4 đời vua (1888-1923). Đây là thời kỳ đất nước ta thực sự mất hết chủ quyền không còn giữ được tính thuần túy như thời kỳ trước. Lăng Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái  kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau. Sự tồn tại của hai khu vực lăng và tẩm làm rõ thêm điều này. Ơ khu vực di tích tẩm điện, nhìn tổng thể, các công trình vẫn mang dáng xưa: lối kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” (nhà có nhiều bộ mái nối tiếp nhau) ở chính diện và các nhà cửa phụ thuộc, vẫn những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với trang trí tứ linh, tứ quý… quen thuộc. Đáng chú ý nhất là điện Ngưng Hy – nơi bảo lưu bậc nhất của Việt Nam. Trong chính điện có 24 đố bản vẽ các bức tranh trong điển tích “nhị thập tứ hiếu” kể về những tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa. Trên các cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết của điện Ngưng Hy xuất hiện những phù điêu bằng đất nung với các trang trí rất dân dã như “ngư ông đắc lợi”, “gà chọi”, “cầm – kỳ – thi – họa”, hoa quả động vật… (trong lăng tẩm các vua tiền nhiệm hoàn toàn vắng bóng loại sản phẩm bằng đất nung cũng như các trang trí dân gian). Tuy nhiên, việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và hai bức tranh có miêu tả cuộc chiến tranh Pháp – Phổ thời Na-pô-lê-ông cùng một số hiện vật khác đã nói lên ảnh hưởng của văn hóa Tây Âu rõ nét.


 Ngược lại với phong cách truyền thống trong kiến trúc khu vực tẩm điện, kiến trúc di tích lăng mộ hầu như “Âu hóa” hoàn toàn từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật liệu xây dựng. Bi đình là sự biến thể của kiến trúc Romance pha trộn với kiến trúc Á Đông – tượng quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, ngói ac-đoa, gạch ca rô…


Nhìn chung, di tích lăng Đồng Khánh được xây dựng trong buổi giao thời của lịch sử nền kiến trúc Á Đông phần nào phôi pha. Nó mở đầu cho thời kỳ kiến trúc pha trộn Âu Á, tân cổ. Người nghệ sĩ kiến tạo khu lăng đã thành công trong việc đưa yếu tố dân gian vào cung đình, khiến lăng Đồng Khánh phần hòa hợp với phong cách thôn dã…

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét